1. Festival Huế 2022 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” diễn ra từ ngày 25 tháng 6 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao. Khác với các kỳ trước, Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong một thời gian nhất định, mà tổ chức quanh năm theo chủ đề Festival bốn mùa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách. Festival Huế 2022 với gần 50 sự kiện được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô đã tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và xứ Huế.
2. Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) cấp cơ sở và Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2021 - 2022 đã được tổ chức thành công, Lễ Khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh được tổ chức quy mô tại sân vận động Tự Do Huế với sự tham gia của gần 15.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân. Đây là sự kiện có quy mô lớn, ý nghĩa của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
3. Năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký các quyết định cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập đối với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế) và Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế). Đây là hai bảo tàng ngoài công lập thứ 4 và thứ 5 ở tỉnh Thừa Thiên Huế sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016), Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (thành lập năm 2021). Đây là kết quả của những nỗ lực khi triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phát triển Bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các bảo tàng tư nhân lần lượt được hình thành đã góp phần cùng với các cấp chính quyền bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử quý giá, thể hiện sự tôn trọng những giá trị di sản mà các bậc tiền nhân đã dày công hun đắp và tạo lập nên, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa, là điểm đến hấp dẫn cho du khách và cộng đồng người dân địa phương tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế.
4. Năm 2022 là năm ghi dấu sự phát triển vượt bậc của Thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế. Tính đến thời điểm này, các đoàn VĐV của tỉnh đã đạt được 348 huy chương (96 HCV, 94 HCB, 158 HCĐ), trong đó có 12 huy chương quốc tế (06 HCV, 01 HCB, 05 HCĐ). Thành tích ấn tượng nhất là việc Đoàn VĐV của tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Seagames 31 dù chỉ có 05 vận động viên trong thành phần các đội tuyển quốc gia những đã đóng góp 5 tấm Huy chương: 03 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn Thể thao tỉnh nhà đã xuất sắc giành được 39 huy chương các loại: 11 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng, phá vỡ hai kỷ lục và thiết lập nên 01 kỷ lục mới của Đại hội, xếp vị thứ 21/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Thừa Thiên Huế tại các kỳ Đại hội từ trước đến nay.
5. Tháp Champa Phú Diên đón nhận 02 kỷ lục Việt Nam và Thế giới
Tháp Champa Phú Diên là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001. Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là “Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”. Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.
6. Nguyễn Thị Thanh Nhi - Cô gái Vàng của thể thao Thừa Thiên Huế năm 2022: Với 03 huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc, phá vỡ 01 kỷ lục và thiết lập 01 kỷ lục mới, vận động viên băn Cung sinh năm 2001 xứng đáng là một trong những gương mặt xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. 03 Huy chương Vàng mà Nguyễn Thị Thanh Nhi đạt được ở nội dung bắn Cung nữ 60m, 50m và 30m (thiết lập kỷ lục mới tại Đại hội); góp công lớn vào thành công rực rỡ của Đoàn thể thao Thừa Thiên Huế tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Đặc biệt, tại Giải vô địch bắn cung châu Á ASIA Cup - SHARJAH được tổ chức tại Qatar từ 20225/12, Thanh Nhi đã xuất sắc đánh bại đối thủ rất mạnh của đội tuyển bắn cung Hàn Quốc với tỷ số chênh lệch: 6 - 2 để giành Huy chương Vàng nội dung cá nhân, đồng thời cùng đội tuyển bắn cung Việt Nam giành Huy chương Đồng tại giải lần này. Trước đó tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, Thanh Nhi cũng đã xuất sắc giành được 01 Huy chương Bạc. Những thành công trong năm nay sẽ giúp Nguyễn Thị Thanh Nhi thêm tự tin, vững bước và hứa hẹn sẽ có nhiều thành tích nổi bật hơn nữa đóng góp cho thể thao tỉnh nhà và quốc gia trong thời gian đến.
Cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi
7. Tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 14: Năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông và các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 14 với nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi thể dục thể thao, tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc huyện Nam Đông, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghề thủ công truyền thống… Thông qua Ngày hội tăng cường thêm sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc; đồng thời thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc và đặc trưng văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế.
8. Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2022
Hơn 4.700 runner đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước đã tham gia tranh tài ở các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km tại giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2022 do Báo điện tử VnExpress và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào ngày 10/4/2022. Ngoài góp phần lan tỏa phong trào rèn luyện thể dục thể thao nói chung, chạy bộ nói riêng trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một Cố đô Huế thơ mộng, xinh đẹp, năng động và đáng sống, trong những ngày diễn ra VnExpress Marathon Imperial Huế 2022, ước tính Huế đón hơn 10.000 lượt khách đến lưu trú, giúp kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm bình thường mới. Việc 4 cự ly tại giải được Hiệp hội Marathon quốc tế cấp chứng nhận đạt chuẩn AIMS sẽ nâng tầm thành giải chạy quy mô quốc tế.
9. Thừa Thiên Huế nỗ lực với công tác “hồi hương” cổ vật
Năm 2022 đánh dấu sự thành công trong công tác “hồi hương” cổ vật ở Thừa Thiên Huế, đó là 02 cổ vật Mũ quan đại thần và Áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do một doanh nghiệp hiến tặng cho tỉnh sau khi thắng đấu giá ở nước ngoài với tổng trị giá xấp xỉ 21 tỷ đồng và sắp tới có thể là ấn vàng Hoàng đế chi bảo thời vua Minh Mạng. Trước đó, năm 2014, Thừa Thiên Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo bằng gỗ khảm trai nguyên vẹn, sang trọng và quý phái, được cho là do vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh vào đầu thế kỷ trước.
Việc hồi hương các cổ vật trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế.
10. Lễ hội Điện Huệ Nam được tổ chức trở lại sau 2 năm tạm ngưng vì dịch Covid-19, thu hút hàng ngàn thanh đồng, tín nữ và du khách. Đặc biệt, sau 51 năm, kể từ năm 1971, lễ hội điện Huệ Nam tổ chức vào tháng 3/2022 đã khôi phục trở lại lễ nghinh rước Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ bằng đường bộ từ địa điểm 352 Chi Lăng đến Nghinh Lương Đình với quãng đường hơn 3km, tạo điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng và du khách. Lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) là hoạt động sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian của một bộ phận dân cư xứ Huế nói riêng, cả nước nói chung. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào 2 dịp: tháng 3 (ngày 2, 3) và tháng 7 (ngày 8, 9, 10) âm lịch cùng một số hoạt động, như: đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan, lễ phóng sinh, phóng đăng, các làn điệu chầu văn xứ Huế..