Vài nét về âm nhạc dân gian của người Tà ôi - Pa cô
Lượt đọc: 76799Thời gian: 14:14 - 21/07/2016

(VHH) - Thừa Thiên Huế có ba tộc người chính nói tiếng Môn - Kh’mer là Tà Ôi, Vân Kiều và Cơ Tu cư trú ở các huyện miền núi A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền.

Trong đời sống tinh thần, họ đều quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cùng tồn tại với thế giới thực tại để che chở, mang điều tốt lành hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, cúng tế thờ phụng các thần linh trong thiên nhiên xung quanh là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của họ.

Người Tà ôi không có chữ viết riêng, song lại có một hệ thống từ vựng khá phong phú, đặc biệt có rất nhiều từ đồng âm, đồng nghĩa với từ tiếng Việt. Ngoài chức năng giải trí, gắn bó với những sinh hoạt hằng ngày như khi lên nương rẫy, trai gái tìm hiểu, giao duyên trong các buổi nông nhàn... thì trong các lễ hội như lễ cầu mùa (Azakoonh), lễ cưới, các cuộc liên hoan, các cuộc tế lễ thần linh, tang ma, đám cưới... dù lớn hay nhỏ, dù trong phạm vi gia đình hay làng bản, đều không thể thiếu âm nhạc; chúng tôi tạm phân chia thành 3 thể loại lớn là Dân ca, Dân nhạc và Dân vũ.

Dân ca gồm những điệu hát như Calơi, Ântói, Chachấp, Xiêng, Babói, Amiêng, Paleh I con, Rarọi (Sisí) và NhaNhim. Không hẳn dân ca người Tà ôi chỉ là thể loại dân ca làn điệu như hát trống quân, ví, dặm... của người Kinh mà phần nào đã được phân định rõ nét về thể loại, chẳng hạn như điệu hát Ântói thường được dùng trong đám cưới và cũng chỉ giai đoạn tiến hành lễ thức cuối cùng, còn Calơi thì hát trong các lễ thức ở giai đoạn đầu, nét nhạc mở đầu mang tính gợi mở về không gian cùng cách sử dụng tiếng đệm độc đáo: ơh... Vơch chơvơ... Van van van... Calơi và Babói là thể hát của người có tuổi, nhưng Calơi được dùng rộng rãi hơn: Trong giao tiếp, giáo dục khuyên răn con cái, vui chơi hội hè; còn Babói, AMiêng thuộc về tự sự, giãi bày nỗi niềm, gần với hát ru, ngâm ngợi tự do: Amiêng ơ..ơ...ơ...hơ. hời. Chachấp thì thường thích hợp với người ít tuổi, nam nữ thường hát để trao gửi tình cảm, giao duyên. Chachấp gần với thể loại Hò ở đồng bằng vì bắt đầu bằng một vế Xô như một câu rao: ò..ơ..y..hò..ơ ơ..hơ..hơ...rồi đến vế Kể với tiết tấu nhanh, cao độ chỉ 1 đến 2 âm như cách nói tiết tấu trong nhạc Rap của phương Tây hiện nay. Rarọi chỉ để hát trong tang ma, cao độ cũng từ 1 đến 2 âm: Cơ ỉêng cơ lêng cơ cai lêng ỉêng...và hát ru (Paleh ỉ con) thì đã đành chỉ đê ru con: Ru..ru.. ru.ru..A dên a dên a văng ơi ru ơi...

Người Tà ôi có một hệ thống nhạc cụ phong phú, với tính chất đơn giản, thô sơ, phù hợp trình độ sinh hoạt văn hóa âm nhạc, đơn giản, dễ chế tác. Có thể phân chia thành các họ với không dưới 20 loại mà chủ yếu là được chế tác bằng các vật liệu tại chỗ như tre nứa, gỗ... như Họ tự thân vang gồm các nhạc cụ ÂnToong (giải buồn khỉ canh nương rẫy và xua đuổi thú dữ), Koong, Târlè sử dụng nhiều trong tế lễ như cầu mùa... ngoài ra còn đệm cho hát), Kârđing (chuông nhỏ, dùng trong các lễ cúng, phụ họa cho lời khấn), Kâmhang (lục lạc, hay dùng trong nhảy múa), Kâmhoong (chũm chọe, sử dụng nhiều khi hòa tẩu), KârTootd (giữ chức năng cầm nhịp trong múa, có tính chất trang trí, có âm thamh vui tai); Họ màng rung gồm Akưr (trống hai mặt da, thành viên cổ định trong mọi sinh hoạt âm nhạc); Họ hơi gồm Areèng (sáo thổi dọc, dùng tỏ tình khi đi sim), Tirieel (sáo thỏi dọc, dùng để 2 người hòa tấu, như tín hiệu tìm nhau), Talee (sáo thổi dọc nhưng dài hơn 2 loại trước); Khên (khèn, dùng trong hội họp, vui chơi), Târ Kòi (làm từ sừng trâu, dùng trong lễ đâm trâu, đón, tiễn khách), Kâr Doocd Adôl (làm bằng sừng dê rừng, thổi lúc lên nương rẫy). Ân Koaid (gọi là đàn Môi, dùng vào ban đêm, gọi người yêu đi sim), Tr’ơi toóc (sáo nhưng chỉ có 1 lỗ thổi); Họ dây gồm Âm PTưng (làm từ lồ ô, con trai thường đánh cho người yêu nghe lúc đi sim), Âm Preeng (cần đàn là một ống nứa, có bầu đàn làm bằng quả bầu, dành cho đàn ông cổ tuổi, đàn ở trong nhà), Abel (giống đàn nhị của người Kinh, nhưng chỉ có một dây và không có bầu cộng hưởng, cả nam và nữ cùng đánh khi đi sim), Talư (làm từ một đoạn gỗ đặc, không có hộp cộng hưởng, đánh lúc lên nương hoặc trong hát đối đáp Xiêng).

Về Dân vũ, có nhiều loại hình như múa trong lao động (nhiều phương thức, nhiều dụng cụ và môi trường khác nhau), múa trong sinh hoạt (múa quạt cho khách, bưng nước mời khách, múc nước suối), múa tín ngưỡng gồm các điệu múa: Ya Yã (tạ ơn đất trời, thần linh), AzaKoonh (cầu mùa), Azưn Ti Ría và múa Adưn Paxol Kol (đâm trâu), Adưn Ragióc,Adưn Carlơi Agia (múa trên nhà sàn), Adưn Choán Pa Đing dung (Mừmg nhà mới, đuổi ma tà), Cu Ru (Điệu múa của thầy bói, ngày nay không còn nữa), Pool (Đâm trâu có khiên, kiếm), Múa hầu Sa Saihây (Con gái múa).

Trang phục của người Tà ôi - Pa cô gồm Âr Toong (dệt bằng thổ cẩm, có gắn lục lạc nhỏ ở dưới vảy, thường con nhà giàu có mới sử dụng), Âr Poong (các họa tiết, hoa văn ít, được nhuộm phẩm các màu đen, xanh, đỏ, chỉ để sử dụng trang trí trong nhà, khi có lễ hội hoặc cúng thần linh), Pa Hiceny (không có cườm, hoa văn được dệt bằng sợi chỉ nhuộm phẩm màu, chủ yếu là màu đỏ ở phần dưới của váy, chỉ sử dụng ở gia đình khá giả), Ân Nai Ngăh (không dùng hạt cườm mà dùng chỉ màu với các hoa văn được thể hiện như chim muông, hoa lá, cỏ cây... và các vật dụng hàng ngày gần gũi với đời thường), Pa Koom (dành cho nam giới, khi mặc, họ choàng cả tấm vải qua người, đặc biệt là các già làng), Tăng Ooh (khổ, dành cho nam giới, các hoa văn như muốn biểu hiện sức mạnh, tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ già làng).

Đạo cụ múa có 2 loại, đó là: Nhạc cụ - Đạo cụ: Theo biên đạo múa Cao Chí Hải, nhạc cụ vừa được sử dụng để đệm cho múa trong sinh hoạt cộng đồng, nhưng cũng vừa là đạo cụ múa: Trống (một người đánh, có loại một người đánh, hai người khiêng), Đồng la, phèng la (một người đánh), Tù và sừng trâu, Kèn sùng trâu (Khèn bè), Chiêng, Đàn Talư, Sáo tre. Và Đạo cụ, dụng cụ sinh hoạt gồm: rựa, gùi, ống đựng rượu, ống nứa uống rượu, giáo, khiên, gậy chọc lỗ trỉa lúa.

Qua khảo sát bước đầu về dân ca, dân nhạc và múa ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi thấy đặc điểm nổi bật của dân ca Tà ôi - Pa cô là tính ứng tác, có tính chất hát nói, tầm cữ của đa số các điệu hát hẹp, thường là không quá quãng 4, giai điệu tiến hành bình ổn, ít quãng nhảy, đều quán xuyến trên một trục chủ đạo 2 âm: quãng 2, quãng 3 hoặc quãng 4.

Trong hầu hết các điệu hát (và cả nhạc cụ) là các âm trì tục trong giai điệu... Sự nhắc lại liên tục một âm là do yếu tố nói trội hơn yếu tố hát (điển hình trong điệu hát Ântói, Chachấp, Babói, Rarọi, Hát ru...) điều này có liên quan đến ngữ âm, ngữ điệu của tiếng nói tộc người, một tiếng nói có âm vực cạn, hẹp và hầu như không có dấu giọng, hay nói cách khác, dân ca Tà ôi gần như là một dạng nâng cấp của ngôn ngữ (nói) Tà ôi.

Ở dân nhạc thì nhạc cụ ít dây, thô sơ hơn so với các tộc ít người ở Tây Nguyên, thể hiện sự ít bị lai tạp các truyền thống âm nhạc khác và có mối tương quan với nhau với dân ca; nhạc cụ thô sơ, dễ chế tác bằng nguyên liệu tại chỗ như tre nứa, gồ phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế.

Cũng như trong diễn xướng dân ca, trong hòa tấu nhiều nhạc cụ cũng thể hiện sự ngẫu hứng tự do của các nghệ nhân. Tuy vậy, không hẳn là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” , mà cũng có những quy định cụ thể, như tất cả đều theo sự điều khiển của trống về nhịp điệu, hoặc sự báo kết thúc phần này hoặc dẫn vào phần khác của Târlè.

Âm nhạc gắn chặt với múa (rõ nhất ở 3 khúc liên hoàn). Điển hình nhất là các tuyến múa trong lễ hội cầu mùa:

- Xin đất chôn nọc buộc trâu; - Nghi lễ với thần linh; - Nghi lễ đâm trâu; - Nghi lễ cúng đưa tiễn thần linh; - Tiễn bạn.

Dân vũ của người Tà ôi có hai đặc điểm:

+ Đặc điểm chung: Múa luôn luôn đi kèm với nhạc cụ gõ và hơi (trống, chiêng, tù và, khèn...).

+ Đặc điểm riêng: Có ba phần: Múa uốn cổ tay, múa nhún mềm - nhún giật và múa tuyến cong lượn.

Về thang âm, vì Tà ôi là một tộc ít người, âm nhạc của họ là âm nhạc dân gian thuần túy, không pha tạp yếu tố chuyên nghiệp như một số vùng dân ca của người Kinh, và một số thể loại có một hệ thống bài bản chặt chẽ - nên chúng tôi không chủ trương dùng thuật ngữ điệu thức đi kèm với thang âm. Khảo sát âm nhạc của người Tà ôi, thấy thang âm của họ không cùng họ với thang âm bình quân trong âm nhạc cổ điển châu Âu, điều này thấy rõ hơn so với trong âm nhạc dân gian và cổ truyền chuyên nghiệp của người Kinh - đó là những quãng âm lơ lớ không ứng với các bậc thang âm bình quân; cũng là ngũ cung, nhưng không phải ngũ cung bán cung, tuy vậy, cũng chưa đủ điều kiện nghiên cứu đầy đủ để kết luận đó là thang âm do một quãng tám chia ra 7 cung đồng đều, mà chỉ lấy 5 cung, bỏ 2, hoặc quãng tám chia ra 5 cung đồng đều mà một số nhà nghiên cứu âm nhạc đề xuất.

Qua khảo sát bước đầu các điệu hát của người Tà ôi, chúng tôi thấy có mặt đầy đủ các loại thang ba âm, bốn âm và năm âm các dạng, không chia theo hệ thống bình quân, mà phổ biến là quãng ba trung tính chi phối hầu hết các bậc III của các loại và các dạng thang âm. Loại thang năm âm dạng I phát triển từ hai loại thang ba âm và bốn âm dạng I là thang âm tiêu biểu trong âm nhạc của người Tà ôi.

Đây là nhận xét bước đầu về thang âm, vì chưa đủ điều kiện và thời gian nên chỉ nêu một số vấn đề có tính chất sơ bộ, chưa có sự thống kê, so sánh, đối chiếu nhiều mặt hầu đạt được những nhận xét, két quả mang tính khoa học cao đối với một tính cách âm nhạc còn hoang sơ, trữ tình này.

Do cuộc sống cận cư và xen cư nên quá trình giao thoa, thâm nhập lẫn nhau trong văn hóa vật chất và tinh thần với nhiều chiều, nhiều cấp độ và quy mô khác nhau; các tộc ít người có quan hệ chặt chẽ với người Kinh, với sự trao đổi qua lại về nhiều mặt nên ảnh hưởng qua lại lẫn nhau là điều tất yếu. Vì vậy trong kho tàng dân ca của họ có nhiều bài là dân ca, bài hát phổ thông của người Kinh được hát bằng lời Tà ôi - Pa cô, nhưng, vì qua nhiều thế hệ nên họ tự nhận là dân ca của mình. Người Tà ôi còn có quan hệ đồng tộc với một bộ phận tộc người ở phía Tây Trường Sơn, nên dân nhạc Lào cũng là một bộ phận làm cơ sở cho việc hình thành âm điệu trong âm nhạc của người Tà ôi. Dù có chịu ảnh hưởng xa gần với âm nhạc các tộc người khác, âm nhạc của người Tà ôi - với những đặc điểm và sự độc đáo riêng mang tính khu biệt rõ rệt, đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Trong những năm gần đây, sự thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội, sự phát triển văn hóa của công nghệ thông tin; mặt khác, do chính đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể, hiện tượng mai một, thất truyền của một số di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều tộc người đã xảy ra. Ở A Lưới, có xã không còn một cái nhà sàn nào hay chỉ là những nhà sàn bằng bê tông khô cứng; người ta ăn mặc như người Kinh, đặc biệt là lớp trẻ hầu như ít thích (và ít biết) dân ca, dân nhạc của ngay cả tộc người mình. Nhiều nhạc cụ dân tộc được cải tiến để chơi được nhạc của phương Tây hoặc của người Kinh. Bảo tồn và phát huy những di sản Văn hóa dân tộc - đó là cả một vấn đề lớn.

Các nghệ nhân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa lưu truyền, lưu giữ các di sản đó cho thế hệ sau. Chúng ta có thể mới chỉ đến khai thác họ, ghi chép, quay phim, chụp ảnh... nhưng chưa có chủ trương và chế độ đãi ngộ để họ tổ chức truyền dạy lại cho cộng đồng những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ xưa mà họ còn lưu giữ trong tâm thức; phần lớn, họ là những người quá già, số này còn lại rất ít, chỉ một thời gian nữa thôi, chắc chắn việc tìm được một người am hiểu, thông thạo vốn di sản của tộc người mình sẽ chẳng khác nào việc tìm vàng trong cát.

Do chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ với mọi hình thái diễn xướng dân gian vốn rất phong phú của người Tà ôi để soi xét, quy chiếu một cách toàn diện trên cơ sở một công trình nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc dân tộc học, vì thế đây chỉ là những phác họa sơ lược nhằm giới thiệu một phần nào đó về diện mạo âm nhạc của người Tà ôi; và ít nữa, cũng có ý nghĩa như là một việc làm cấp thiết, tưởng cũng đã quá muộn mằn, góp phần gìn giữ các giá trị về văn hóa của một tộc ít nguời trong cộng đồng 54 tộc người Việt Nam khi mà những giá trị âm nhạc đó đang ngày càng mai một đi trước sự phát triển như vũ bão trong tất cả các lĩnh vực của đời sống ngày hôm nay.

Theo Dương Bích Hà (Sông Hương)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày