6 cổ vật và nhóm cổ vật thời Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia
Lượt đọc: 79162Thời gian: 21:06 - 23/07/2016

(VHH) - Qua 4 đợt xét duyệt, hiện nay cố đô Huế có 6 cổ vật, nhóm cổ vật được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Cửu đỉnh và Cửu vị thần công, chuông chùa Thiên Mụ, ngai vua triều Nguyễn, áo tế Giao của vua Nguyễn, bia Khiêm Cung Ký và vạc đồng thời chúa Nguyễn (bộ sưu tập). Hiện, nhóm cổ vật này được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn và giữ nguyên giá trị của nó.

Ngoài Cửu đỉnh, Cửu vị thần công và chuông chùa Thiên Mụ được công nhận đợt trước đó, 4 bộ hồ sơ cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia mới đây gồm: ngai vua triều Nguyễn, áo tế Giao của vua Nguyễn, bia Khiêm Cung Ký và vạc đồng thời chúa Nguyễn (bộ sưu tập). Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Vì vậy, ngai vua triều Nguyễn là hiện vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc. Ngai được đặt giữa điện Thái Hòa - trung tâm triều chính của cả nước Việt Nam thống nhất dưới thời Nguyễn. Trong suốt 143 năm của triều đại, trải qua nhiều đời vua, chiếc ngai đã chứng kiến bao thăng trầm của ngôi vị Thiên tử trong lễ đăng quang, dẫu là kế vị theo truyền ngôi hay theo sự sắp đặt của đình thần. Đây cũng là nơi các vua Nguyễn tổ chức lễ Đại triều, lễ Vạn thọ (sinh nhật nhà vua), tiếp kiến các sứ thần ngoại giao hoặc các nghi lễ quan trọng khác của triều đình từ khi thiết lập nên triều Nguyễn cho đến khi kết thúc vào năm 1945. Ngai vua triều Nguyễn, niên đại: 1802-1945, hiện lưu giữ tại điện Thái Hòa.

Trong số các hiện vật quan trọng mang tính độc bản khác mà triều Nguyễn để lại, áo tế Giao của vua Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng là chiếc áo tế Giao duy nhất của thời kỳ quân chủ Việt Nam còn lại cho đến ngày nay. Dưới thời quân chủ, lễ tế Giao là nghi lễ của quốc gia. Nhà vua thay mặt thần dân cúng tế trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Với ý nghĩa tâm linh đặc biệt quan trọng của nghi lễ, áo được thêu hình rồng 5 móng, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, mây, núi, chim trĩ, sóng nước, rong tảo... Với nhiều ý nghĩa biểu tượng, chiếc áo mà hoàng đế triều Nguyễn mặc khi tế Giao không chỉ là trang phục mà còn là vật biểu trưng cho vai trò của hoàng đế trong mối liên hệ giữa trời đất và con người. Hiện, áo Tế giao, có niên đại 1802-1945, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Bia Khiêm Cung Ký là tấm bia khắc bài văn bia do chính vua Tự Đức (1848-1883) soạn thảo năm 1871. Đây là tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam với 4.935 chữ Hán khắc trên cả hai mặt bia, cũng là tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng vua Nguyễn. Nội dung văn bia không chỉ ghi lại tâm tư của một vị hoàng đế đang trong tình trạng “lực bất tòng tâm” trước nhiều thử thách và sự đổi thay của vận mệnh đất nước, mà còn cung cấp những thông tin cụ thể về hình thế cảnh quan phong thủy xung quanh khu vực lăng mộ của nhà vua. Bia Khiêm Cung Ký, niên đại: năm 1875, hiện lưu giữ tại lăng Vua Tự Đức thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn gồm 10 chiếc với kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) để tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong. Những chiếc vạc được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ XVII, chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và chiếc có niên đại muộn nhất là năm 1684. Căn cứ vào những chữ Hán khắc trên một số vạc như: nhất song (một cặp); nhị song (hai cặp); tam song (ba cặp)... có thể khẳng định rằng, vào thời điểm đó, số lượng vạc đồng được đúc nhiều hơn số lượng hiện tồn. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động trong các cuộc chiến tranh và sự thay đổi của các triều đại, nhiều chiếc trong số đó hiện không còn nữa. Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn, niên đại: 1659-1684, hiện lưu giữ tại Quần thể di tích Cố đô Huế (tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nguồn: vi.wikipedia.org); trên vành miệng mỗi chiếc vạc đều có ghi niên đại, trọng lượng, số lượng vạc đúc nếu là một cặp (2 cái) hoặc một bộ (3 cái).

Ngoài những motip trang trí truyền thống của Việt Nam như văn lá đề, hoa, chim thú, quai tạo hình rồng, trên các vạc đồng này còn có những motip trang trí khá lạ mắt mang phong cách mỹ thuật phương Tây như lá sòi, cụm tròn các chấm bi... Điều này cho thấy rất có khả năng những chiếc vạc này được đúc dưới sự cố vấn của người nước ngoài trong thời gian họ ở lại làm việc cho chính quyền Đàng Trong, điều khá phổ biến vào thời kỳ này. Vì thế, 10 chiếc vạc đồng này là những bằng chứng ít ỏi nhưng hết sức tiêu biểu của nền mỹ thuật và kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn...

BM (Theo TTXVN)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày