Dệt Dèng Tà Ôi (A Lưới) được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia
Lượt đọc: 89467Thời gian: 16:40 - 28/11/2016

(VHH) - Ngày 21/11/2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 4306/QĐ-BVHTTDL công nhận 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới).

Dệt Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới) ra đời từ khá sớm và phát triển tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những trang phục cùng với trang sức chính là một đặc điểm quan trọng để phân biệt văn hóa của từng tộc người. Mỗi tấm vải dệt Dèng làm ra là thành quả kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của cả cộng đồng qua một quá trình lịch sử phát triển.

(Ảnh: Trần Dũng)

 Người Tà Ôi nắm giữ các kỹ năng trồng, khai thác, gia công các nguyên liệu, chế tạo công cụ kỹ thuật, quy trình sản xuất Dèng truyền thống. Do vậy, các sản phẩm dệt Dèng đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, nó như là một chuẩn mực cho những cô gái, người chị, người mẹ dân tộc Tà Ôi.

(Ảnh: Dân trí)

Người phụ nữ Tà Ôi đã tranh thủ những lúc nông nhàn, để tạo ra những sản phẩm Dèng đặc trưng. Trước đây, nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm này thường là những cây bông được đồng bào trồng trên rẫy trải qua nhiều công đoạn như thu hoạch, phơi, tách, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi... Khi đã có sợi vải, người ta tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây khai thác từ núi rừng, gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng, sau đó phơi khô và cuộn lại thành búp.

Những tấm Dèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng, mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng bằng vải Dèng và những trang phục được làm nên từ vải Dèng. Sắc màu của các trang phục Dzèng cùng với âm thanh rộn rã của tiếng trống tiếng chiêng và các loại nhạc cụ khác trong các hoạt động lễ hội đã làm nên nét đặc trưng riêng biệt cả tộc người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới nói chung.

(Ảnh: Trần Dũng)

Sản phẩm Dèng được tạo từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt, khéo léo, tỉ mỉ, đến chăm chút trong khâu chuẩn bị nguyên liệu (bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc), kỹ năng đính cườm tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Hoa văn trên Dèng phản ánh sinh động thế giới - nhân sinh quan của cộng đồng tộc người qua hệ màu sắc và hoa văn trang trí và gắn chặt với chu kỳ cuộc đời của một con người và nhiều lĩnh vực xã hội, văn hóa nghệ thuật...

(Ảnh: Dân trí)

Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. 

Việc công nhận nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới là DSVH phi vật thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy nghề dệt Dèng truyền thống trở thành một sản phẩm thủ công đặc trưng kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở vùng núi cao A Lưới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

BM - TD
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày