Hội thi gia đình thể thao: Lợi ích kép
Lượt đọc: 5976Thời gian: 17:33 - 12/07/2017

(VHH) - Lần đầu được tổ chức (cuối tháng 6/2017), hội thi Gia đình thể thao (GĐTT) đã chứng minh được hiệu quả trong việc vừa gắn kết tình cảm gia đình, vừa góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Lợi ích kép

Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) chọn hội thi GĐTT làm hoạt động chính hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) nói riêng và công tác gia đình năm 2017 nói chung. Nhờ sự mới lạ, hội thi quy tụ hơn 120 VĐV đến từ nhiều gia đình của các huyện, thị, TP. Huế tham gia và bước đầu mang lại hiệu quả. Bà Dương Hạ Uyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Vang cho biết: “Hằng năm, Sở VH&TT tổ chức hội diễn văn hóa – văn nghệ hoặc hội thi nấu ăn, nhưng năm nay chọn hội thi thể thao gia đình. Sự mới lạ này tạo được cảm giác hứng khởi cho người tham gia”.

Thông tin từ Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH&TT) cho biết, từ khi có ý tưởng về hội thi GĐTT (đầu năm 2017), các địa phương đã đẩy mạnh công tác tập luyện, tìm kiếm vận động viên. Ngoài hội thi của tỉnh, Hương Trà cũng tổ chức hoạt động này ở cấp thị xã, quy tụ 60 VĐV đến từ nhiều gia đình của các đơn vị khối phường, xã và khối các cơ quan đơn vị. Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Trà cho biết, lâu nay địa phương chỉ tổ chức các giải thể thao của khối cơ quan hoặc địa phương nên hình thức mới này được các gia đình rất thích. Bên cạnh nâng cao sức khỏe và tình cảm gia đình, người dân còn cho đây là cơ hội để giao lưu, mở rộng mối quan hệ.

Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VH&TT đánh giá, hội thi GĐTT là sân chơi đem lại lợi ích kép. Trước tiên, hội thi gắn kết tình cảm các thành viên trong cùng tổ ấm. Đặc trưng của GĐTT là phải có ít nhất 2 vợ chồng hoặc vợ chồng cùng các con tham gia; trước hội thi thường xuyên cùng nhau tập luyện nên tạo ra cơ hội để gần và hiểu nhau hơn. Thông qua hội thi nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội và gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Đây còn là “đòn bẩy” thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao trong quần chúng phát triển, góp phần đưa số lượng người tập luyện thể thao thường xuyên của tỉnh tăng lên, qua đó thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

GĐTT cũng là tiêu chí của ngành thể thao, việc mở ra những hội thi sẽ kích thích phong trào gia đình tập luyện thể thao phát triển. “Hằng năm, toàn quốc có hội thao gia đình nhưng lâu nay ở Huế chỉ có một số gia đình tham gia. Bây giờ có hội thi, ngành thể thao thuận lợi hơn trong công tác đánh giá phong trào tập luyện thể dục thể thao và khả năng thi đấu của các thành viên trong gia đình tại các địa phương, các ngành, qua đó tuyển chọn lực lượng tham gia giải toàn quốc”, ông Bình nói.

Anh Lê Quý Anh Hùng, đại diện gia đình đến từ đội thi thị xã Hương Thủy, tâm sự: “Tôi đam mê và chơi bóng bàn đã 10 năm. Năm nay, Sở VH&TT tổ chức hội thi gia đình thể thao là rất hay. Qua những buổi tập luyện cùng nhau, vợ chồng con cái trong nhà thêm yêu thương nhau. Nếu duy trì được hoạt này thì triển vọng để phát triển các môn thể thao mang tính cộng đồng sẽ rất cao”.

Cần phát huy và nhân rộng

Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VH&TT cho biết, ngoài tạo ra sân chơi mới lạ trong công tác gia đình thì hội thi GĐTT năm nay còn là bước thử nghiệm tính đa dạng các hoạt động gia đình, làm tiền đề cho các năm tiếp theo. Với thành công bước đầu, Sở VH&TT sẽ có thêm những nghiên cứu để hội thi ngày càng hiệu quả.

Khảo sát từ các huyện thị và TP. Huế, đa phần đánh giá cao hoạt động này và đề xuất nên tổ chức hai năm một lần, luân phiên giữa các hoạt động văn hóa - nghệ thuật để tránh sự nhàm chán. Đồng thời, có thể tăng số lượng gia đình tham gia cũng như các môn thể thao khác, như: quần vợt, bơi lội, chạy tiếp sức… “Qua kết quả hội thi cấp thị xã và cấp tỉnh, tôi thấy nên duy trì hoạt động này lâu dài. Lần đầu, số lượng còn ít nhưng qua lần thứ hai trở đi có thể nhân rộng, tạo ra hiệu quả nhiều hơn”, ông Úy nói.

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT) cho rằng, ở hội thi GĐTT các năm sau, có thể áp dụng thêm các nội dung, như: đôi nam anh em trai, đôi nữ chị em, đôi nam nữ anh em hoặc chị em… Có thể mở rộng đối tượng là các gia đình thuộc khối các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cần tăng cường vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tăng cơ cấu giải thưởng, góp phần tạo sự hấp dẫn cho người tham gia.

Để đảm bảo tính bền vững và chất lượng hội thi GĐTT cấp tỉnh, các địa phương nên có phương án tổ chức trước ở cấp huyện, thị và thành phố. Đây là sân chơi mang lại nhiều lợi ích được chính người tham gia ở các địa phương thừa nhận nên công tác tổ chức ở tuyến dưới sẽ thuận lợi. Đó cũng là hướng đi giúp lan tỏa phong trào tập luyện thể thao quần chúng, qua đó gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình ngay tại cơ sở.

TP (Theo: Minh Tâm - Báo Thừa Thiên Huế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày