Theo quy định hiện hành, người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có trình độ cử nhân trở lên. Theo Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), tiêu chuẩn này là quá cao so với mặt bằng trình độ chuyên môn của lao động hành nghề hướng dẫn nên đã hạn chế số lượng người được cấp thẻ hướng dẫn viên, không phát triển được lực lượng hướng dẫn viên (HDV) đáp ứng đủ nhu cầu du lịch của nước ta hiện nay.
Để đảm bảo nhu cầu và mục tiêu phát triển du lịch nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tổ công tác đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, cụ thể là quy định người có trình độ cao đẳng trở lên đáp ứng điều kiện sẽ được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Cũng theo Tổ công tác, số lượng hướng dẫn viên hiện nay, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng hiếm (Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha, Đức…) là hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu của ngành du lịch, đặc biệt là vào mùa vụ cao điểm. Trong số 6.000 thẻ mà các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp cho người đề nghị cấp thẻ, có khoảng 2.000 – 3.000 thẻ hướng dẫn viên là thẻ tạm thời, được cấp cho những hướng dẫn viên tiếng hiếm như Trung Quốc, Ý, Hàn…, chưa có trình độ đại học.
Trong khi đó, những người được cấp thẻ này sau một thời gian hành nghề hướng dẫn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của họ đã được nâng cao, đảm bảo chất lượng dịch vụ hướng dẫn.
Mặt khác, hiện nay, số lượng lao động làm việc tại nước ngoài về nước, những sinh viên cao đẳng ngoại ngữ có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ giỏi, có thể đảm nhiệm vai trò hướng dẫn nhưng vì quy định của Luật Du lịch mà họ không được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn.
Với nhu cầu phát triển du lịch hiện nay, nước ta cần phải phát triển mạnh đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tăng cường về mặt số lượng, đảm bảo về mặt chất lượng, vì vậy, theo Tổ công tác cần điều chỉnh lại tiêu chuần cấp thẻ này để đảm bảo nhu cầu và mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Kéo dài thời hạn hiệu lực của thẻ từ 3 năm lên 5 năm
Lý do Tổ công tác đưa ra là việc kéo dài thời hạn giấy phép sẽ tạo thuận lợi cho các cá nhân vì giúp họ giảm được đáng kể chi phí về thời gian thực hiện thủ tục đồng thời giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.
Mặt khác, về nghiệp vụ, nghề hướng dẫn viên càng làm nhiều càng có kinh nghiệm phục vụ, hướng dẫn khách, nâng cao được trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nên sau 3 năm trình độ của mỗi người sẽ tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, hướng dẫn viên còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của doanh nghiệp nơi người đó làm việc với các ràng buộc chặt chẽ về trình độ, sức khỏe, tư cách, kỷ luật lao động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lữ hành còn sử dụng thì người hướng dẫn viên đó còn có đủ điều kiện để hành nghề.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đề nghị bỏ “Phiếu thông tin” trong Đơn đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Bởi Phiếu thông tin cá nhân xin cấp thẻ phải hoàn thành thực chất là một thành phần hồ sơ mới, nhưng nội dung trong đó lại hoàn toàn trùng lặp với thông tin trong sơ yếu lý lịch và các văn bằng chứng chỉ kèm theo trong hồ sơ xin cấp thẻ ban đầu đã được lưu tại cơ quan cấp phép. Vì vậy, quy định này là thừa, không cần thiết tạo thêm khó khăn cho cá nhân thực hiện thủ tục. Hơn nữa, quy định này trái với Luật Du lịch và Nghị định số 92/2007/NĐ-CP.